Thiết kế Alsace (lớp thiết giáp hạm)

Ba kiểu thiết kế thiết giáp hạm đã được nghiên cứu, tất cả với cùng một cách sắp xếp dàn pháo chính gồm hai tháp pháo phía trước và một tháp pháo phía sau; cùng một dàn pháo hạng hai gồm những khẩu 152 mm, tất cả đều trên trục giữa gồm một tháp pháo ba nòng phía trước và hai tháp pháo ba nòng bắn thượng tầng phía sau, giữa ống khói và tháp pháo chính phía sau.

Chúng khác biệt ở hai điểm: Thứ nhất, dàn pháo chính bao gồm tháp pháo 380 mm (15 in)/45 Modèle 1935 ba nòng cho kiểu số 1, tháp pháo ba nòng 406 mm (16,0 in) cho kiểu số 2, và tháp pháo 380 mm/45 bốn nòng cho kiểu số 3. Thứ hai, dàn hỏa lực phòng không, với những tháp pháo kín nòng đôi 100 mm, gồm tám tháp pháo trên các kiểu số 1 và 2, và lên đến 12 tháp pháo trên kiểu số 3, gần giống như chiếc Jean Bart được hoàn tất sau chiến tranh.

Với cùng một tốc độ (31,5 knot) và sự bảo vệ như của lớp Richelieu, chiều dài của lườn tàu, công suất của hệ thống động lực và trọng lượng choán nước thay đổi từ 252 m, 170.000 mã lực và 40.000 tấn đối với kiểu số 1; 256 m, 190.000 mã lực và 42.500 tấn đối với kiểu số 2; cho đến 265 m, 220.000 mã lực và 45.000 tấn đối với kiểu số 3.[8]

Sơ đồ các phiên bản thiết kế khác nhau của lớp Alsace. Lớp Richelieu được đặt trên cùng nhằm mục đích tham khảo và so sánh.

Như đã thấy bên trên, kiểu số 1 tương tự như lớp thiết giáp hạm Vittorio Veneto của Ý; tương đương đối với dàn pháo chính về cỡ nòng pháo và cách bố trí; cùng dàn pháo hạng hai đối hạm ít hơn một tháp pháo ba nòng, nhưng được bố trí trên trục dọc nên có hỏa lực bắn qua mạn mạnh hơn 50%. Dàn pháo phòng không với cỡ nòng lớn hơn đôi chút (100 mm thay vì 90 mm) và có cùng số nòng pháo. Cũng có thể mô tả nó như là trung gian giữa HMS Vanguard với thêm một khẩu 381 mm (15 inch), và lớp thiết giáp hạm Lion với dàn pháo chính toàn cỡ nòng 380 mm.

Kiểu số 2 sẽ tương tự như với lớp Lion hoặc các lớp North CarolinaSouth Dakota của Mỹ về khía cạnh cỡ nòng và sự sắp xếp của dàn pháo chính. Tốc độ tối đa sẽ nhỉnh hơn một chút, 30 knot thay vì 28 knot đối với các thiết giáp hạm Mỹ, nhờ vào lườn tàu dài hơn, công suất động cơ và tải trọng lớn hơn. Việc lựa chọn hai cỡ nòng pháo khác nhau cho dàn pháo hạng hai là đặc điểm của hải quân các nước lục địa châu Âu vào lúc bắt đầu Chiến tranh Thế giới thứ hai, khi mà việc thiếu sót một dàn pháo phòng không hạng nhẹ bắn nhanh chắc chắn đã tạo lợi thế cho Hải quân Hoàng gia Anh và Hải quân Hoa Kỳ, như kinh nghiệm chiến tranh sau đó cho thấy.

Kiểu số 3 với ba tháp pháo 380 mm bốn nòng sẽ mang đặc tính biểu trưng của Pháp. Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Hải quân Pháp đã nhận ra cách sắp xếp này khi áp dụng cho lớp Lyon, nhưng với một tháp pháo phía trước và hai tháp pháo phía sau. Dàn pháo hạng hai gần giống như được trang bị trên chiếc Jean Bart vốn hoàn tất sau chiến tranh, bao gồm 9 khẩu 152 mm và 24 khẩu 100 mm, ngoại trừ việc còn có 14 khẩu 57 mm phòng không nòng đôi và 20 khẩu phòng 20 mm không nòng đơn. Sự lựa chọn nhiều khẩu pháo hơn với cỡ nòng nhỏ hơn cũng là một đặc trưng của Pháp, như trường hợp lớp Lyon, được dự định có mười sáu khẩu hải pháo 340 mm/45 Modèle 1912 trên bốn tháp pháo bốn nòng, trong khi các nước khác đã đưa vào sử dụng hoặc đang chế tạo những con tàu với mười hai khẩu 356 mm hay tám khẩu 380 mm.

Bộ Hải quân Pháp đã chọn kiểu số 1,[8] kiểu gần nhất với thiết kế của Richelieu, và loại bỏ kiểu số 2 do những sự trì hoãn trong việc hoàn thiện kiểu pháo 406 mm, một loại vũ khí mới đối với Pháp, cũng như xem kích cỡ của kiểu số 3 là quá quan trọng, xấp xỉ với lớp thiết giáp hạm Iowa (270 m, 212.000 mã lực và 45.000 tấn). Chiếc đầu tiên được dự định đặt lườn vào năm 1941 tại xưởng đóng tàu Penhoët, nơi từng đóng chiếc tàu biển chở hành khách vượt đại dương Normandie, và sau đó là thiết giáp hạm Strasbourg, vào lúc đó đang đóng chiếc tàu sân bay Joffre; chiếc thứ hai sẽ được đặt lườn vào năm 1942 tại một ụ tàu mới dự định xây dựng tại Xưởng hải quân Brest. Không có công việc nào được bắt đầu, thậm chí chưa có dự trữ nguyên vật liệu cần thiết.

Liệu có khôn ngoan khi tiếp tục chế tạo thiết giáp hạm vào đầu những năm 1940? Trước khi các con tàu được đặt lườn, kinh nghiệm chiến tranh đã cho thấy sự mong manh của thiết giáp hạm trong các cuộc không kích: vụ tấn công Mers-el-Kebir, trận Taranto, tấn công Trân Châu Cảng; thậm chí đối với những thiết giáp hạm hiện đại ngoài biển khơi như trường hợp Vittorio Veneto trong trận Matapan, BismarckPrince of Wales. Sự ưu tiên đã được dành cho việc đóng tàu sân bay, và mọi thiết giáp hạm đang chế tạo đều bị ngưng lại. Tuy nhiên, khả năng của Bộ Hải quân Pháp có hiểu được điều này vẫn còn là một câu hỏi, nhất là khi sau chiến tranh họ quyết định vẫn hoàn tất Jean Bart như một thiết giáp hạm cổ điển. Mọi vấn nạn khác đặt ra lên quan đến đặc tính của lớp Alsace, như là thiết bị máy bay lạc hậu, hỏa lực phòng không bắn nhanh tầm gần yếu kém... tỏ ra kém quan trọng